Tên đầy đủ: CTCP Tập đoàn Sao Mai
Chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn Sao Mai (ASM)
Tháng trước, ông Lê Thanh Thuấn đã chính thức chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp cho ông Lê Tuấn Anh. Đây được xem là một trong những bước chuyển giao quan trọng cho thế hệ lãnh đạo mới của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) kể từ khi thành lập vào năm 1997 đến nay - đánh dấu sự chuyển giao của thế hệ sáng lập cho thế hệ lãnh đạo thứ hai.
Thông tin này đáng chú ý với cổ đông bởi lâu nay, ông Lê Thanh Thuấn được xem như “linh hồn” của Tập đoàn Sao Mai. Trong 26 năm ASM thành lập, ông Thuấn đã ghi dấu ấn đậm về khả năng chèo lái của mình. Từ một doanh nghiệp thi công xây lắp công trình, Sao Mai trở thành một doanh nghiệp đa ngành với hệ sinh thái khá ấn tượng.
Những năm đầu, nắm bắt được xu hướng ASM lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và dịch vụ. Đến năm 2003 Công ty chuyển mình trở thành tập đoàn đa ngành với lĩnh vực mới là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản. 10 năm sau đó, ASM tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực năng lượng với loạt dự án điện mặt trời tại An Giang...
CEO mới của Tập đoàn Sao Mai sinh năm 1994 và cũng là con trai của ông Lê Thanh Thuấn.
Bên cạnh đó, ASM cũng đã thay đổi một loạt nhân sự khác khá quan trọng. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Sao Mai đã thống nhất thông qua miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 với bà Lê Thị Nguyệt Thu - Chủ tịch HĐQT, ông Lê Thanh Thuấn, ông Nguyễn Văn Phụng - thành viên HĐQT không điều hành.
Trong đó, bà Lê Thị Thu Nguyệt là con gái ông Lê Thanh Thuấn. Trước đó, vào tháng 3/2023, chồng bà Lê Thị Nguyệt Thu là ông Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy được Tập đoàn bổ nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc tại ASM.
Đại hội thông qua bầu ông Lê Văn Thành (SN 1964) thay bà Lê Thị Thu Nguyệt ngồi vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai. Ông Lê Văn Thành là em trai ông Lê Thanh Thuấn hiện đang nắm 973.846 cổ phiếu ASM, tương ứng tỷ lệ 0,29% vốn.
Ông Lê Văn Thành giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai từ 1/1/2017 đến nay. Ngoài công tác tại ASM, ông Thành còn giữ chức vụ quản trị tại các công ty thành viên của Tập đoàn Sao Mai như thành viên HĐQT Công ty cổ phần Nhựt Hồng; thành viên HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Tài chính và Truyền thông Quốc tế MIF.
Theo cơ cấu cổ đông ASM, ông Lê Thanh Thuấn hiện sở hữu gần 65 triệu cổ phiếu, tương ứng 19,31% vốn của ASM. Tân Tổng giám đốc Lê Tuấn Anh nắm gần 38 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,26% vốn ASM.
Ông Thuấn và gia đình đang nắm giữ hơn 46% cổ phần tại Tập đoàn Sao Mai.
Tân Tổng Giám đốc Sao Mai Lê Tuấn Anh có tạo nên kỳ tích?
Ngay sau khi chuyển giao vị trí Tổng giám đốc, cổ phiếu ASM đã có những phiên tăng trưởng ấn tượng. Trong tuần qua, cổ phiếu ASM đã có 5 phiên liên tiếp tăng điểm rực rỡ với 15,58%, trong đó, có phiên tăng trần vào ngày 8/6 với khối lượng khớp lệnh lên tới 13,2 triệu cổ phiếu.
Tính chung 1 tháng qua, ASM đã tăng hơn 22,4% giá trị. Nếu tính từ mốc 1/5/2023, ngày có quyết định bổ nhiệm ông Lê Tuấn Anh, cổ phiếu ASM cũng tăng tới 30,99%. Trung bình khối lượng giao dịch của mã này cũng đạt tới hơn 5,6 triệu cổ phiếu.
Điều này cho thấy dù chức vụ CEO thuộc về ông Lê Tuấn Anh hay ông Lê Thanh Thuấn nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tới ASM.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vị trí lãnh đạo một Tập đoàn đa ngành sẽ là một thách thức không nhỏ đối với một người trẻ như ông Lê Tuấn Anh.
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Sao Mai qua các năm (tỷ đồng).
Dữ liệu cho thấy, giai đoạn 2016-2017, doanh thu thuần Sao Mai Group cao nhất chỉ đạt trên 2.100 tỷ đồng.
Đến năm 2018, kết quả kinh doanh của Sao Mai Group tăng đột biến khi doanh thu vọt lên 8.887,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.197,8 tỷ đồng lần lượt tăng 323% và 614% so với năm 2017.
Được biết, trong năm 2018, Sao Mai Group đã đầu tư vào Nhà máy điện mặt trời Sao Mai với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của công ty vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng lên tới 14.223,8 tỷ đồng tăng 60% , tuy nhiên lợi nhuận giảm 31,2% so với năm trước đó.
Năm 2020, doanh thu thuần năm 2020 của ASM giảm 11,8% về 12.524,6 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 30,5% còn 572,3 tỷ đồng.
Năm 2021, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch, song tình hình kinh doanh của Sao Mai cũng khá khởi sắc. Doanh thu thuần giảm 8% về 11.397,9 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 22,8% lên 703,9 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu thuần ASM đạt 13.749 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 963,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 36% so với năm trước đó.
Sơ lược hệ sinh thái của ông Lê Tuấn Anh.
Có thể thấy, dù kinh doanh vẫn khá tốt, song từ năm 2020, với khó khăn từ đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của phần lớn các doanh nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại. Tập đoàn Sao Mai cũng không phải ngoại lệ.
Và 3 tháng đầu năm nay, ASM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.050 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 86 tỷ đồng, giảm tới 73,5%, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 69,2 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Sao Mai lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 15.250 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 545 tỷ đồng (giảm sâu 43,4% so với thực hiện năm 2022).
Với những doanh nghiệp gia đình như ASM, con đường tồn tại và phát triển sẽ có những bước đột phá nếu thật sự chọn được đúng người. Nhiều người cho rằng, các nhà lãnh đạo mới của công ty được lựa chọn sẽ phải đối mặt với nhiều yêu cầu hơn so với những người tiền nhiệm của họ. Do đó, để thuyết phục và dẫn dắt được cả bộ máy, người lãnh đạo phải đưa ra những hướng đi đổi mới, sáng tạo và quan trọng hơn là có khả năng thực thi.
Vậy với những khó khăn, thách thức mới, ông Lê Tuấn Anh có tạo ra bước chuyển mình cho Tập đoàn Sao Mai?