Hành vi đánh nhau của học sinh được hiểu như thế nào? Hành vi đánh nhau gây ra những hậu quả gì? Giáo viên và nhà trường nên xử lý như thế nào trong trường hợp học sinh đánh nhau? Phụ huynh nên xử lý như thế nào trong trường hợp học sinh đánh nhau? Làm sao để hạn chế tình trạng đánh nhau ở học sinh?
Phụ huynh nên xử lý như thế nào trong trường hợp học sinh đánh nhau?
Sự việc xảy ra gần đây trên mạng xã hội có lẽ để lại cho chúng ta rất nhiều điều đáng suy ngẫm về cách hành xử của phụ huynh khi con trẻ bị bạn cùng lớp đánh. Vụ việc diễn ra tại một trường quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đứng trước một vụ bạo lực học đường, thực tế cho thấy phụ huynh thường có hai cách ứng xử hoàn toàn trái ngược nhau là im lặng hoặc chống trả.
Trong trường hợp này, nếu phụ huynh ngại phiền phức hoặc không muốn làm lớn chuyện khi con bị bắt nạt nên bảo con phải nhẫn nhịn thì theo các chuyên gia tâm lý, việc một đứa trẻ im lặng hoặc rút lui khi bị đánh hoặc giành đồ chơi, sẽ vô tình khuyến khích hành vi bạo lực và giành giật của đối phương.
Câu hỏi đặt ra là “cha mẹ có nên xui con đánh lại bạn không?”
Theo quan điểm chia sẻ của TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng thì thay vì hành hung hay xui con hành hung lại học sinh đã đánh con mình nên làm việc với nhà trường nơi con đang theo học để xử lý vụ việc. Từ đó, phụ huynh sẽ tìm hiểu và nắm rõ quy trình xử lý các vụ việc bắt nạt học đường từ phía nhà trường để có tâm thế chủ động xử lý nếu vụ việc xảy ra.
Phụ huynh phải hiểu rằng các con ở độ tuổi đang lớn thì không tránh khỏi khi nhận thức không đúng và sẽ có chuyện xô xát có thể dẫn đến bạo lực học đường. Cho nên vấn đề này không phải chỉ trách nhiệm của nhà trường mà còn cả phụ huynh. Phụ huynh khi nghe thấy con có vấn đề mâu thuẫn với bạn là phải báo với nhà trường để có biện pháp giáo dục và cảnh giác.
Phụ huynh phải giáo dục con mình, chuyện xảy ra mâu thuẫn là chuyện xảy ra bình thường trong cuộc sống. Nhưng cách giải quyết vấn đề bạo lực học đường phải có văn hóa và tôn trọng pháp luật. Thể hiện mình có ứng xử đẹp, con người văn minh và hiểu pháp luật.
Khi xảy ra các vấn đề, phụ huynh nên đồng hành cùng trẻ, an ủi và lên tinh thần cho trẻ để tránh trường hợp trẻ bị trầm cảm.
Hành vi đánh nhau gây ra những hậu quả gì?
Tác động về mặt thể xác là điều không thể tránh khi bị vướng vào những cuộc đánh nhau. Tuy nhiên, mức độ tổn hại của nó cũng tùy thuộc vào tác động vật lý của người gây ra, và có thể chỉ xây xát nhẹ cũng có thể dẫn đến tử vong. Như hồi tháng 11 vừa qua, tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra một vụ gây gổ của các em học sinh Trung học phổ thông và hậu quả là một người tử vong.
Nhưng có lẽ tác động lớn nhất sẽ là tác động đến sức khỏe tinh thần. Những đứa trẻ bị đánh sẽ cảm thấy sợ hãi và tồi tệ hơn là cảm giác này sẽ đeo bám chúng, điều này có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm. Học sinh sẽ có những biểu hiện như luôn thấy buồn chán, cô đơn, ăn uống không ngon miệng, mất ngủ, cảm thấy mất hứng thú với mọi thứ xung quanh, và có thể dễ bị cáu gắt. Tệ hại nhất là ảnh hưởng đến suy nghĩ của những đứa trẻ và chúng sẽ có ý định tự sát. Trẻ bị bạo lực học đường có thể dễ có ý tưởng hành vi tự sát do trầm cảm, lo âu, stress, căng thẳng đặc biệt tăng nếu không được sự hỗ trợ chia sẻ từ cha mẹ người thân và bạn bè.
Đối với những học sinh đánh nhau:
Thực tế nhiều người nghĩ rằng những đứa trẻ làm hại đến người khác thì phải chịu tổn thương gì đâu? Nhưng điều đó hoàn toàn là sai vì những đứa trẻ đánh nhau cũng phải chịu sự kỷ luật, thậm chí bị xử phạt theo quy định của pháp luật, nặng nhất là phạt tù, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của chúng. Bên cạnh đó, chúng cũng bị ảnh hưởng tâm lý không hề nhỏ, khi luôn phải chịu sự dè bỉu, chê bai từ những người xung quanh.
Hành vi đánh nhau của học sinh tạo nên một văn hóa học đường thiếu lành mạnh, và hành vi này cũng ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ của lứa tuổi học sinh, ảnh hưởng đến một nền văn hóa rộng rãi.
Hành vi đánh nhau của học sinh được hiểu như thế nào?
Hành vi đánh nhau được hiểu là hành vi dùng vũ lực tác động vào người khác, hành vi này có thể gây ra thương tích cho người bị tác động hoặc không, tùy thuộc vào mức độ, tính chất khác nhau.
Đối với học sinh, đây là hành vi diễn ra khá phổ biến do tính cách của các em còn nhiều non trẻ và có cái tôi mạnh mẽ, bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Học sinh ở đây được hiểu là người được tham gia giáo dục ở các trường học, nên khi học sinh đánh nhau ở trong phạm vi trường học hay ngoài phạm vi trường học thì đều được coi là hành vi đánh nhau của học sinh.
Giáo viên và nhà trường nên xử lý như thế nào trong trường hợp học sinh đánh nhau?
Đối với những thầy cô giáo trực tiếp chủ nhiệm hoặc giảng dạy những học sinh tham gia đánh nhau: thầy cô là những người dạy dỗ những đứa trẻ, và hầu hết những đứa trẻ sẽ nghe theo lời thầy cô. Chính vì thế, khi xảy ra các trường hợp đánh nhau, giáo viên cần bình tĩnh ngồi nói chuyện cùng học sinh để nắm bắt vấn đề. Về phía những học sinh bị đánh, giáo viên nên động viên chúng và quan tâm chúng nhiều hơn, khích lệ các bạn học sinh khác quan tâm đến chúng để chúng tránh bị các vấn đề về tâm lý. Về phía học sinh đánh nhau, giáo viên cần hỏi rõ nhưng tránh gây áp lực về lý do đánh bạn của chúng, đây cũng là bí kíp để giáo viên hỗ trợ giải quyết được những khúc mắc giữa các học sinh. Và tiếp theo, giáo viên nên chia sẻ với học sinh nhiều hơn về tình trạng của bạn bị đánh, chỉ rõ cho học sinh hiểu tác hại của việc đánh nhau là như thế nào và đưa ra những lời khuyên cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên thành cầu nối giữa học sinh đánh nhau và những học sinh khác để tránh trường hợp chúng bị bạn bè xa lánh, dè bỉu.
Đối với nhà trường: thường nhà trường sẽ kỷ luật những học sinh tham gia đánh nhau bằng cách cảnh cáo trước toàn thể học sinh trong trường nếu thiệt hại gây ra là nhẹ, cũng có thể bị đình chỉ, hoặc đuổi học. Đối với việc cảnh cáo, đây là một biện pháp kỷ luật khá nhạy cảm vì nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý của các học sinh tham gia đánh nhau. Vì thế nhà trường chỉ nên cảnh cáo riêng và nói chuyện cùng học sinh, giáo viên, phụ huynh.
Làm sao để hạn chế tình trạng đánh nhau ở học sinh?
Cần làm việc một cách nghiêm túc giữa nhà trường, cha mẹ học sinh, học sinh với thiện ý hợp tác cùng giải quyết vấn đề bạo lực học học đường và ngăn ngừa việc bạo lực có thể còn tiếp diễn, tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau.
Cần có sự hỗ trợ về tâm lý đối với những trẻ có nguy cơ bị bạo lực học đường cao, ví dụ như những trẻ khả năng hòa nhập kém, những trẻ có vấn đề về tâm lý như trầm cảm, thiếu hòa đồng, hay trẻ chậm phát triển. Cần tạo cho trẻ những cơ hội để cảm thấy mình không bị bỏ rơi, không bị cô đơn như cho trẻ phát cơm cho các bạn vào giờ ăn trưa, tham gia cùng cô giáo thu bài kiểm tra, trả vở cho các bạn…
Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi tuyên truyền, chia sẻ về bạo lực học đường là một điều cần thiết.
Nếu hành vi đánh nhau xảy ra thì nên được người lớn hỗ trợ giải quyết. Vì vậy cần nói với cha mẹ, thầy cô hay bất kỳ người nào trẻ tin tưởng về vấn đề bạo lực học đường.
Không cố gắng để phản kháng lại hay đối phó lại với những kẻ bạo lực với mình. Tránh kích động mà đánh lại, hãy bình tĩnh nói với đối phương là đừng bắt nạt tôi hoặc hãy bỏ đi. Nhiều trường hợp không kiềm chế được hai bên cùng đánh nhau và gây hậu quả nghiêm trọng.
Tránh ở một mình, hãy đi cùng hay ở cùng một nơi nào có bạn cùng lớp hay giáo viên, hãy đi vào nhà vệ sinh cùng với bạn hay đi ăn trưa ở trường cùng với nhóm. Hãy thay đổi lộ trình thường ngày khi đi ăn trưa hay chơi ở sân trường nếu phát hiện ra kẻ bắt nạt bạn.
Cha mẹ gần gũi con, làm bạn với con để con có thể chia sẻ được những vấn đề khó khăn trong đó có vấn đề bị bạo lực học đường.
Quan sát trẻ để có thể nhận ra được những dấu hiệu của trẻ bị bạo lực học đường: Ví dụ những vết quần áo bị xé rách, biểu hiện chần chừ, không muốn đến trường, khác hẳn mọi ngày, ăn uống không ngon miệng, đêm ngủ hay gặp ác mộng, hay khóc, hoặc có những biểu hiện của trầm cảm lo âu, thậm chí tự nhiên đòi chuyển trường, chuyển lớp học mà không rõ lý do, hay quan sát thấy trẻ có những bức tranh vẽ có nội dung liên quan đến bạo lực.
Khi bạn phát hiện ra con bạn đang bị bạo lực học đường, bạn không nên xem nhẹ, coi điều đó là chuyện của con trẻ. Hoặc nói với trẻ rằng, thôi kệ nó đi, hoặc hãy im lặng đừng nói gì…mà bạn cần phải nói chuyện với con, để biết điều gì thực sự xảy ra, để có những bước giải quyết tiếp theo. Bạn cần cho trẻ thấy là bạn luôn đồng hành cùng con và trẻ không cần thiết phải phản ứng lại như những gì mà các bạn đã làm với mình.
Dạy cho trẻ cách đối phó khi bị bạo lực học đường. Trước khi sự việc bạo lực được đưa ra giải quyết một cách chính thống bởi nhà trường hay cơ quan chức năng, cần nói với trẻ không nên có ý định đánh lại hay trả thù lại đối phương. Chia sẻ với những người mà trẻ tin cậy như thầy cô, hay bạn bè có thể giúp đỡ trẻ thoát khỏi những lo lắng về bạo lực học đường.